Skip to content

Sách mới tháng 5

Giới thiệu sách tháng 5:

SÁCH BÁC HỒ KÍNH YÊU

SĐKCB:TK/ 2566-2567

 

Hồ Chủ tịch là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ.

Cuốn sách Bác Hồ kính yêu của nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ 14  nhân kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2020).

Cuốn sách có bìa màu vàng, màu xanh đỏ chủ đạo. Hình ảnh Bác dang tay ôm cháu bé vào lòng thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của Bác đối với thiếu nhi và sự kính trọng của Bác đối với các vị bô lão.

Cuốn sách là tập hợp của nhiều bài viết về Bác. Hơn 50 câu chuyện về cuộc đời của Bác từ khi người còn nhỏ đến khi người về bên kia thế giới, đã giúp người đọc hiểu hơn về vị lãnh tụ vừa vĩ đại, nhưng cũng rất giản dị, gần gũi, thân thương. Qua mỗi câu chuyện, chúng ta thấy rõ hơn tình cảm của Bác với đồng bào, đồng chí, với nhân loại thật bao la mênh mông. Đặc biệt là tình cảm với thiếu niên nhi đồng được thể hiện rất rõ qua câu chuyện: “Bác chỉ muốn các cháu được học hành”, “Bác nhớ các cháu”, “Luôn luôn nghĩ đến các cháu”, “Một lời thề”…

Câu chuyện “Một lời thề” diễn ra tại Tân Trào, Tuyên Quang. Sáng ngày 16 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội khai mạc ở Đình Tân Trào. Bác được bầu vào trong đoàn chủ tịch. Giữa lúc hội nghị đang họp thì có đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đem gạo, đem bò, đem gà đến chào mừng Đại hội. Nhìn đồng bào đói khổ, rách rưới, nhất là các em bé người dân tộc thiểu số gầy gò, vàng vọt. Các em ở truồng, đi theo người lớn đến Đại hội. Bác lại gần các cháu và nói với các đại biểu: “Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, áo ấm, được đi học, không phải lam lũ thế này”. Câu nói của Bác đã khiến ai nấy đều cảm động. Và trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn dành tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho thiếu nhi lên hàng đầu.

Nhân cách cao đẹp của Bác còn được thể hiện ở sự tận tụy, tận tâm, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc. Nhưng với bản thân mình, Bác luôn cần kiệm, giản dị, bởi đối với Bác đó là tiết kiệm cho dân, cho nước. Với bạn bè, đồng chí, Bác luôn gần gũi, quan tâm đúng mực dù Người ở cương vị Chủ tịch. Trong câu chuyện “Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước” thể hiện rất rõ điều ấy. Chuyện kể rằng ở phố Ngõ Nghè (Hải Phòng) có một ông già mù cả hai mắt tên là Thuyết. Hồi còn trẻ, ông làm thủy thủ trên nhiều thuyền tàu buôn ra nước ngoài, về sau ông làm công cho một hiệu ảnh bên Pháp. Năm 1946, nghe tin Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán đang trên đường về nước bằng tàu biển, Đoàn công tác của Bác nghỉ ở phố Ngõ Nghè, cách nhà ông vài trăm mét. Ông đã đòi đứa cháu đưa ông đến gặp Bác. Lúc đầu mọi người đều ngăn ông, nhưng ông đòi đi bằng được. Khi được gặp Bác, ông rất xúc động gọi Hồ Chủ tịch, nhưng Bác đã ngăn lại và nói: “Đừng xưng hô như thế! Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước… Tôi bây giờ tuy là Chủ tịch một nước nhưng chẳng qua cũng chỉ là tôi tớ của nhân dân mà thôi. Đối với anh, trước sau tôi vẫn là một người bạn thân”.

Mỗi câu chuyện mang nhiều ý nghĩa và những bài học sâu sắc đã tạo động lực để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Từ đó, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Người.

Mời bạn đọc đến thư viện tìm những cuốn sách hay viết về Bác để thấy tầm vóc to lớn của bác đối với dân tộc, để hiểu được tình thương của Bác dành cho thiếu nhi to lớn dường nào, hiểu được tấm chân tình của Bác đối với quê hương, đất nước, đối với nhân dân ra sao?. Hãy tìm đọc nhé!.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *